Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 -  Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)

Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)

Gốm sứ Bát Tràng là tên gọi chung của tất cả các sản phẩm gốm sứ được sản xuất tại các làng thuộc tỉnh Bát Tràng. Các làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Làng Bát Tràng nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 10km về phía Đông Nam. 

Bát Tràng, chữ Hán Việt viết là 鉢場. Theo từ điển Thiều Chửu “chữ Bát (鉢) tiếng Phạn là bát-đa-la, là cái bát ăn của sư, nhà chùa dùng bát xin ăn đời đời truyền để cho nhau”, “chữ Tràng (場, hay còn có cách đọc là Trường) là cái sân rộng mà bằng phẳng. Phàm nhân việc gì mà tụ họp nhiều người đều gọi là tràng”. Như vậy, tên gọi Bát Tràng có thể hiểu nôm na là “cái sân rộng mà mọi người trong làng cùng tụ họp lại để làm bát, và làng nghề này được truyền thừa từ đời này sang đời khác”. 

Còn theo các cụ già trong làng kể lại, bên trái chữ Bát là bộ Kim - 金, mang nghĩa là tiền bạc, là giàu có, sung túc; bên phải là chữ Bản/Bổn - 本, mang nghĩa là gốc rễ, là nguồn cội. Ông bà thời xưa dùng chữ Bát 鉢 để đặt tên cho làng với mong ước người dân trong làng có một cuộc sống ấm no, đủ đầy và con cháu đời sau không được quên nguồn cội. Hiện nay, tại các đình, đền và chùa ở làng Bát Tràng thì tên làng đều được viết là 鉢場.

Xã Bát Tràng là tên gọi có từ trước năm 1945. Khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, năm dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát (làng Bồ Xuyên và Bạch Bát), huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, năm dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Lúc đầu thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường (phường đất sét trắng). Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ, buôn bán và làm quan. 

Vào thời Hậu Lê, xã Bát Tràng trực thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Sang thời nhà Nguyễn, năm 1822 trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh. Lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Đến năm 1862, phủ Thuận An được chia về phủ Thuận Thành. Và đến năm 1912 thì được chia về phủ Từ Sơn. Từ tháng 02 đến tháng 11 năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1961 đến nay, huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1948, xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan lập thành xã Quang Minh. Từ năm 1964, xã Bát Tràng bao gồm 2 thôn là Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.

gốm sứ Bát Tràng

Xem thêm: Gốm sứ Bát Tràng - Di sản văn hóa và nghệ thuật Việt Nam

Năm 1958, nhà nước thực hiện đào sông Bắc Hưng Hải – Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải làm thuỷ lợi tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng rộng lớn của 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Tạo thêm một con đường mới đi vào xã Bát Tràng. Từ Hà Nội, có thể theo đường thuỷ từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng. Hoặc cũng có thể theo đường bộ qua sông Hồng rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15km). Hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về phía tay phải theo đường liên huyện, qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20km).

Quá trình phát triển gốm sứ Bát Tràng

Thế kỷ XV và XVI là thời kỳ mới thành lập làng gốm sứ và cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của làng gốm Bát Tràng. Sang thế kỷ XVI - XVII, với công cuộc giao lưu hàng hóa của các nước Tây Âu; đồng thời nhà Minh - Trung Quốc ban hành chính sách cấm tư nhân của Trung Quốc buôn bán hàng hóa ra nước ngoài, chính vì lẽ đó nên việc xuất khẩu đồ gốm sứ Bát Tràng của nước ta ngày càng phát triển hơn. 

Thế kỷ XV - XVII được coi là giai đoạn phát triển vượt bậc của làng gốm sứ Bát Tràng do giao thông đường thủy thuận lợi giữa các nước Nhật, Trung, các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước Tây Âu cùng nhiều nước khác trên toàn thế giới. 

Thời kỳ suy thoái của gốm sứ bắt đầu khi mà nhà Thanh bãi bỏ lệnh cấm tư nhân buôn bán với nước ngoài. Lệnh này được dỡ bỏ khiến nước ta bị cạnh tranh nguồn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, kỹ thuật chế tạo gốm sứ của Nhật Bản cũng có sự phát triển vượt bậc nên nhu cầu nhập khẩu gốm sứ từ Việt Nam cũng không còn nhiều. 

gốm sứ Bát Tràng

Đến khoảng thế kỷ XVIII - XIX, chúa Trịnh Nguyễn công bố một số biện pháp hạn chế thông thương. Vì thế nên việc giao thương của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gốm sứ Bát Tràng không còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. 

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhà nước cho xây dựng hợp tác xã và các xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng ra đời. Các thợ thủ công lành nghề bắt đầu về làm ở các xí nghiệp. Những người thợ có tay nghề nổi tiếng như Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam,… 

Nước ta sau đó cũng bắt đầu tiến hành hội nhập với nền kinh tế thị trường. Các hợp tác xã cùng với các xí nghiệp đều bị giải thể. Những hộ gia đình tự hoạt động, tự phát triển lên thành các công ty, các hộ kinh doanh gia đình, các doanh nghiệp,... Làng gốm sứ Bát Tràng dần dần lấy lại thương hiệu và tên tuổi nhờ vào chất lượng sản phẩm và tay nghề của mình.

Ngày nay, các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng càng ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại và sản phẩm. Công nghệ sản xuất ban đầu hoàn toàn bằng thủ công, nay đã có sự hỗ trợ trợ của công nghệ -  kỹ thuật. Chất lượng, mẫu mã của sản phẩm ngày càng được nâng cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân Việt Nam và thị trường quốc tế. Đồng thời vẫn giữ được nét đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng.

gốm sứ Bát Tràng

Các sản phẩm chủ lực của gốm sứ Bát Tràng có thể kể đến như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, gốm sứ tâm linh, bình hút tài lộc, gốm sứ gia dụng, gốm sứ trang trí,...

Để làm ra được một sản phẩm gốm, người thợ phải qua các công đoạn rất kỳ công. Từ khâu chọn, xử lý và pha chế đất; đến tạo dáng cốt gốm; tạo, khắc hoa văn; tráng men; và cuối cùng là nung gốm.