Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 2 -  Quá trình tạo cốt gốm)

Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 2 - Quá trình tạo cốt gốm)

Ở kỳ 1, chúng ta đã tìm hiểu về làng gốm sứ Bát Tràng. Ở kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu "Nghệ thuật làm gốm - Quá trình tạo cốt gốm" của đồ gốm Bát Tràng.

Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)

Để tạo cốt gốm, cần trải qua những công đoạn kỳ công sau:

1. Chọn đất

Nguồn đất sét là mấu chốt quan trọng trong quá trình tạo cốt gốm. Các lò gốm thời xưa thường được dựng gần nguồn đất sét tốt. Làng gốm Bát Tràng cũng vậy. Sở dĩ dân làng Bồ Bát chọn làng Bát Tràng làm nơi định cư phát triển nghề gốm là vì mỏ đất sét trắng quý hiếm ở đây. 

Đến thế kỉ XVIII, nguồn đất sét trắng tại làng đã bị cạn kiệt nên người dân Bát Tràng buộc phải đi tìm nguồn đất mới. Không giống như tổ tiên, luôn di cư để đi tìm nguồn đất mới. Những người dân làng Bát Tràng thời kỳ này đã chọn định cư lại ở những nơi có giao thông thuận lợi với các dòng sông, bến cảng. Họ dùng thuyền toả ra các nơi theo các ngả sông để tìm tòi, khai thác nguồn đất mới. Từ làng Bát Tràng, người dân ngược dòng sông Hồng lên vùng Sơn Tây, Phúc Yên, rồi rẽ qua sông Đuống, xuôi dòng Kinh Thầy đến Đông Triều. Đến đây họ bắt đầu khai thác đất sét trắng ở Hồ Lao, Trúc Thôn. 

nghệ thuật làm gốm Bát Tràng

Đất sét Trúc Thôn có độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt mịn, có màu trắng xám, độ chịu lửa ở khoảng 1650°C. Thành phần hoá học (tính trung bình theo % trọng lượng) của đất sét Trúc Thôn như sau: Al203: 27,07; Si02: 55,87; Fe203 1,2; Na2O 0,7; CaO 2,57; MgO 0,78; K2O: 2,01; Ti02: 0,81. Tuy là loại đất tốt được người thợ gốm Bát Tràng rất ưa dùng, nhưng sét Trúc Thôn cũng có một số hạn chế như chứa hàm lượng oxit sắt khá cao, độ ngót khi sấy khô lớn và màu không được trắng.

Gốm Bát Tràng được làm từ loại đất sét dẻo, trắng, mịn. Quy trình luyện đất để làm gốm cũng rất công phu, nghiêm ngặt, tỉ mỉ. Cho thấy nghệ thuật làm gốm bao gồm rất nhiều công đoạn phức tạp và kỳ công.

2. Xử lý, pha chế đất

Xử lý và pha chế đất cũng là một nghệ thuật làm gốm. Trong đất nguyên liệu thường có lẫn tạp chất. Ngoài ra tuỳ theo yêu cầu của từng loại gốm khác nhau mà có thể có những cách pha chế đất khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Ở Bát Tràng, phương pháp xử lý đất truyền thống là xử lý thông qua ngâm nước trong hệ thống bể chứa. Gồm 4 bể ở những độ cao khác nhau.

a) Bể thứ nhất: Ở vị trí cao hơn cả là “bể đánh”. Dùng để ngâm đất sét thô và nước (thời gian ngâm khoảng 3-4 tháng). Đất sét dưới tác động của nước sẽ bị phá vỡ kết cấu hạt nguyên thuỷ của nó và bắt đầu quá trình phân rã (dân gian gọi là ngâm lâu để cho đất nát ra). Khi đất đã “chín” (cách gọi dân gian), người thợ sẽ tiến hành đánh đất thật đều, thật tơi để các hạt đất thực sự hoà tan trong nước tạo thành một hỗn hợp lỏng. Sau đó tháo hỗn hợp lỏng này xuống bể thứ hai.

b) Bể thứ hai: Gọi là “bể lắng” hay “bể lọc”. Tại đây đất sét bắt đầu lắng xuống. Một số tạp chất (nhất là các chất hữu cơ) nổi lên. Người thợ sẽ tiến hành loại bỏ các tạp chất đó. Sau đó, múc hồ loãng từ bể lắng sang bể thứ ba.

c) Bể thứ ba: Gọi là “bể phơi”. Người thợ gốm Bát Tràng thường phơi đất trong bể này khoảng 03 ngày. Sau đó chuyển đất sang bể thứ tư.

d) Bể thứ tư: Gọi là “bể ủ”. Tại bể ủ, oxit sắt (Fe2O3) và các tạp chất khác bị khử bằng phương pháp lên men (tức là quá trình vi sinh vật hoá khử các chất có hại trong đất). Thời gian ủ càng lâu càng tốt.

Trong quá trình xử lý, tuỳ theo từng loại đồ gốm mà người ta có thể pha thêm cao lanh ở mức độ nhiều ít khác nhau.

3. Nghệ thuật làm gốm - Tạo dáng

Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Bát Tràng là làm bằng tay trên bàn xoay. Nghệ thuật làm gốm được thể hiện trong khâu tạo dáng. Người thợ gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến lối “vuốt tay, be trạch” trên bàn xoay. Trước đây, công việc này thường do phụ nữ đảm nhiệm. Người thợ ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn, rồi dùng chân quay bàn xoay, còn tay vuốt đất tạo dáng sản phẩm. 

nghệ thuật làm gốm Bát Tràng

Đất trước khi đưa vào bàn xoay được vò cho thật nhuyễn, cuốn thành thoi rồi ném (bắt nẩy) để thu ngắn lại. Sau đó, người ta đặt vào mà giữa bàn xoay. Rồi vỗ cho đất dính chặt. Rồi lại nén và kéo cho đất nhuyễn dẻo mới “đánh cử” đất, và “ra hương” chủ yếu bằng hai ngón tay bên phải. Sau quá trình kéo đất bằng tay và bằng sành để đất đạt được mức cần thiết, người thợ sẽ dùng sành dan để định hình sản phẩm. Sản phẩm “xén lợi” và “bắt lợi” xong thì được cắt chân, rồi đưa ra đặt vào “bửng”. 

Việc phụ nữ sử dụng bàn xoay vuốt tạo dáng sản phẩm là công việc bình thường và phổ biến ở mỗi lò gốm cổ Việt Nam (không chỉ riêng Bát Tràng) nhưng lại rất xa lạ với một số người thợ gốm phương Tây. Tuy thế, kỹ thuật này đã mất dần và hiện nay không còn mấy người thợ gốm Bát Tràng còn có thể làm được công việc này nữa. “Be chạch” cũng là một hình thức vuốt sản phẩm trên bàn xoay nhẹ đà và chủ yếu do người thợ là đàn ông đảm nhiệm.

Người thợ “đắp nặn” gốm là người thợ có trình độ kỹ thuật và mĩ thuật cao. Có khi họ đắp nặn một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, nhưng cũng có khi họ đắp nặn từng bộ phận riêng rẽ của một sản phẩm và sau đó tiến hành chắp ghép lại. Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay yêu cầu về mỹ nghệ, nghệ nhân gốm có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt.

Xem thêm: Gốm sứ đắp nổi họa tiết

Việc tạo hình sản phẩm gốm theo khuôn in (khuôn thạch cao hay khuôn gỗ) được tiến hành như sau: 
  • Đặt khuôn giữa bàn xoay.

  • Ghim chặt lại.

  • Láng lòng khuôn rồi ném mạnh đất in sản phẩm giữa lòng khuôn cho bám chắc chân.

  • Vét đất lên lợi vành. 

  • Quay bàn xoay và kéo cán tới mức cần thiết để tạo sản phẩm.

nghệ thuật làm gốm Bát Tràng

Ngày nay người làng gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến kỹ thuật “đúc” hiện vật. Muốn có hiện vật gốm theo kĩ thuật đúc, trước hết phải chế tạo khuôn bằng thạch cao. Khuôn có cấu tạo từ đơn giản đến phức tạp. Loại đơn giản là khuôn hai mang. Loại phức tạp thì thường có nhiều mang. Tuỳ theo hình dáng của sản phẩm định tạo mà có thể chọn loại khuôn cho phù hợp. 

Cách tạo dáng này trong cùng một lúc có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm giống nhau rất nhanh, đơn giản và tiện lợi. Ngoài ra người ta còn dùng phương pháp đổ rót: Đổ “hồ thừa” hay “hồ đầy” để tạo dáng sản phẩm.

4. Phơi sấy và sửa hàng mộc

Tiến hành phơi sản phẩm mộc sao cho khô, không bị nứt nẻ, không làm thay đổi hình dáng của sản phẩm. Biện pháp tối ưu mà xưa nay người Bát Tràng vẫn thường sử dụng là hong khô hiện vật trên giá, và để ở nơi thoáng mát. Ngày nay, phần nhiều các gia đình sử dụng biện pháp sấy hiện vật trong lò sấy, tăng nhiệt độ từ từ để cho nước bốc hơi dần dần.

Sản phẩm mộc đã định hình cần đem “ủ vóc” và sửa lại cho hoàn chỉnh. Người thợ gốm đặt sản phẩm vào mà trên bàn xoay nhẹ đà. Rồi vừa xoay bàn xoay, vừa đẩy nhẹ vào chân vóc cho cân, dùng dùi vỗ nhẹ vào chân “vóc” cho đất ở chân “vóc” chặt lại và sản phẩm tròn trở lại (gọi là “lùa”). Người thợ gốm tiến hành các động tác cắt, gọt chỗ thừa, bồi đắp chỗ khuyết, chắp các bộ phận của sản phẩm (như vòi ấm, quai tách…), khoan lỗ trên các sản phẩm, tỉa lại đường nét hoa văn và thuật nước cho mịn mặt sản phẩm. Những sản phẩm sửa lại mà không dùng bàn xoay thì gọi là “làm hàng bộ”, phải dùng bàn xoay thì gọi là “làm hàng bàn”.

Tùy theo yêu cầu mà người thợ có thể đắp thêm đất rồi cắt tỉa để tạo hình (đắp phù điêu). Có khi phải khắc sâu các hoạ tiết trang trí trên mặt sản phẩm.

nghệ thuật làm gốm Bát Tràng

Photo by Phong Phạm on Unsplash

Xem thêm: Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)