Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 3 - Điểm tô nên gốm Việt)
-
Người viết: Xuân MKT
/
Ở kỳ 1 chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Làng gốm Bát Tràng. Kỳ 2 chúng ta bắt đầu đi vào tìm hiểu quy trình tạo cốt gốm. Sau khi tạo cốt gốm xong thì người thợ gốm tiến hành vẽ họa tiết trang trí lên gốm. Sau đó họ sẽ bắt đầu tráng men. Hãy cùng nhau tìm hiểu thử xem nghệ thuật gốm sứ - vẽ trang trí và tráng men ở làng gốm Bát Tràng sẽ trải qua những công đoạn nào nhé!
Có thể bạn sẽ thích:
>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)
>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 2 - Quá trình tạo cốt gốm)
Kỹ thuật vẽ
Thợ gốm Bát Tràng dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hoà với dáng gốm. Các hoạ tiết đã nâng nghề gốm từ sản phẩm dùng trong đời sống thành tác phẩm nghệ thuật. Mỗi một món đồ gốm là một tác phẩm. Thợ gốm Bát Tràng cũng đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác nhau mang hiệu quả nghệ thuật như: Đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu,…
Thời gian gần đây, gốm Bát Tràng xuất hiện thêm kỹ thuật vẽ trên nền xương gốm đã nung sơ lần một, hoặc kỹ thuật hấp hoa (một lối trang trí hình in sẵn trên giấy decal, nhập từ nước ngoài). Hai kiểu trang trí này tuy đẹp nhưng không phải là truyền thống của Bát Tràng. Cũng không được coi là nghệ thuật và sáng tạo trong di sản gốm Bát Tràng nói riêng, và gốm Việt Nam nói chung. Những sản phẩm này ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng hưởng ứng phong trào: “Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những dòng sản phẩm này có ưu điểm là rất bắt mắt và giá thành cũng thấp hơn phương pháp vẽ tay truyền thống.
Chế tạo men
Men tro là men đặc sắc của gốm Bát Tràng. Ngoài ra còn có men nâu. Thành phần của men này bao gồm: Men tro cộng thêm 5% đá thối (hỗn hợp ôxít sắt và ôxít mangan lấy ở Phù Lãng, Hà Bắc).
Bộ ấm chén trà và hủ trà men nâu
Từ thế kỉ XV, thợ gốm Bát Tràng đã chế tạo ra men lam vô cùng nổi tiếng. Loại men này được chế từ đá đỏ (có chứa ôxít côban), đá thối (chứa ôxít mangan) nghiền nhỏ rồi trộn với men áo. Men lam phát màu ở nhiệt độ 1250 độ C.
Bộ đồ thờ men lam
Đầu thế kỷ XVII, người Bát Tràng dùng vôi sống, tro trấu và cao lanh chùa Hội (thuộc Bích Nhôi, Kinh Môn, Hải Dương) có màu hồng nhạt điều chế thành một loại men mới là men rạn.
Bộ đồ thờ men rạn
Thợ gốm Bát Tràng thường quen sử dụng cách chế tạo men theo phương pháp ướt. Bằng cách cho nguyên liệu đã nghiền lọc kỹ, trộn đều với nhau. Sau đó khuấy tan trong nước. Đợi đến khi lắng xuống thì bỏ phần nước trong ở trên và bã đọng ở dưới đáy. Chỉ lấy các “dị” lơ lửng ở giữa. Đó chính là lớp men bóng phủ bên ngoài gốm.
Trong quá trình chế tạo men, người thợ gốm Bát Tràng nhận thấy để cho men dễ chảy hơn thì phải chế biến bột tro nhỏ hơn nhiều so với bột đất. Vì thế mà có câu “nhỏ tro to đàn”.
Tráng men
Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp, sau đó mới đem tráng men. Hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men rồi mới nung. Người thợ gốm Bát Tràng thường chọn phương pháp tráng men trực tiếp lên trên sản phẩm mộc hoàn chỉnh. Sản phẩm mộc trước khi đem tráng men phải được làm sạch bụi bằng chổi lông.
Nếu xương gốm của sản phẩm mộc có màu, thì trước khi tráng men cần phải tráng một lớp men lót để che bớt màu của xương gốm. Đồng thời cũng phải tính toán tính năng của mỗi loại men định tráng lên từng loại xương gốm, nồng độ men, thời tiết và mức độ khó của xương gốm,…
Kỹ thuật tráng men có nhiều hình thức như: Phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ. Nhưng thông dụng nhất là hình thức tráng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men”. Và khó hơn cả là hình thức “quay men” và “đúc men”. Quay men là hình thức tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc. Còn “đúc men” thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm. Đây là những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng. Vừa là kỹ thuật vừa là nghệ thuật. Thủ pháp này được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Người thợ gốm đang phun men lên chum gốm
Sửa hàng men
Người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm lần cuối trước khi đưa vào lò nung. Trước hết phải xem kỹ từng sản phẩm một xem có chỗ nào khuyết men thì phải bôi quệt men vào các vị trí ấy. Sau đó họ tiến hành “cắt dò” tức cạo bỏ những chỗ dư thừa men, công việc này gọi là “sửa hàng men”.