Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 4 - Các loại lò nung)
-
Người viết: Xuân MKT
/
Khi mọi công đoạn tạo cốt, vẽ trang trí, tráng men đều đã được chuẩn bị hoàn tất thì đốt lò nung gốm trở thành khâu quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Vì thế giờ phút nhóm lò trở nên thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả cao tuổi nhất thắp ba nén hương và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa phù hộ. Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất, sau đó lại hạ nhiệt độ từ từ khi gốm đã chín. Đây chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.
Có thể bạn sẽ thích:
>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 3 - Điểm tô nên gốm Việt)
>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 2 - Quá trình tạo cốt gốm)
Trước đây, người thợ gốm Bát Tràng chuyên sử dụng các loại lò như lò ếch (hay lò cóc), lò đàn và lò bầu để nung gốm. Sau này xuất hiện thêm nhiều loại lò nung khác ngày càng hiện đại hơn. Giúp cho việc nung gốm trở nên đơn giản hơn.
1. Lò ếch
Là kiểu lò gốm cổ nhất được sử dụng một cách phổ biến ở khắp mọi nơi. Hiện nay đã mất hết dấu tích. Tuy nhiên qua các nguồn tư liệu gián tiếp vẫn có thể hình dung được hình dạng của lò. Lò có hình dáng giống như một con ếch dài khoảng 7 mét. Bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 3 đến 4 mét. Cửa lò rộng khoảng 1,2 mét, cao 1 mét.
Đáy lò phẳng nằm ngang. Vòm lò cao khoảng từ 2 mét đến 2,7 mét. Bên hông lò có một cửa ngách rộng 1 mét, cao 1,2 mét phục vụ cho việc chồng lò và dỡ sản phẩm. Lò có 03 ống khói thẳng đứng cao 3 đến 3,5 mét. Trong mỗi bầu lò người ta chia thành 05 khu vực xếp sản phẩm là: hàng dàn, hàng gáy, hàng giữa, hàng chuột chạy và hàng mặt.
Trong quá trình sử dụng lò ếch, để khắc phục nhược điểm của lớp đất gia cố bên trong và sàn lò, người ta thay vào đó lớp gạch mộc và vữa ghép lại.
Lò ếch (lò cóc) - Ảnh: Sưu tầm
2. Lò đàn
Xuất hiện vào giữa thế kỉ XIX. Lò đàn có bầu lò dài 9 mét, rộng 2,5 mét, cao 2,6 mét được chia thành 10 bích bằng nhau. Vị trí phân cách giữa các bích là hai nống (cột). Cửa lò rộng 0,9 mét, cao l mét. Bích thứ 10 gọi là bích đậu thông với buồng thu khói qua 03 cửa hẹp.
Để giữ nhiệt, bích lò kéo dài và ôm lấy buồng thu khói. Lớp vách trong ghép gạch Bát Tràng, lớp vách ngoài xây bằng gạch dân dụng. Mặt dưới của cật lò gần như bằng phẳng còn mặt trên hình vòng khum. Hai bên cật lò từ bích thứ 2 đến bích thứ 9 người ta dấu mở hai cửa nhỏ hình tròn, đường kính 0,2 mét gọi là các lỗ giòi để ném nhiên liệu vào trong bích. Riêng bích đậu người ta mở lỗ đậu (lỗ giòi rộng hơn nửa mét). Nhiệt độ lò đàn có thể đạt được 1250–1300 °C.
Góc dưới phía tay phải là Lò đàn - Ảnh: Sưu tầm
3. Lò bầu, hay lò rồng
Xuất hiện vào đầu thế kỉ 20. Lò bầu chia ra làm nhiều ngăn, thường có từ 5 đến 7 bầu (cũng có khi đến 10 bầu). Bầu lò có vòm cuốn liên tiếp vuông góc với trục tiêu của lò tựa như những mảnh vỏ sò úp nối với nhau.
Lò bầu - Ảnh: Sưu tầm
Người ta dùng gạch chịu lửa đề xây dựng vòm cuốn của lò. Lò dài khoảng 13 mét cộng với đoạn để xây ống khói ở phía đuôi dài 2 mét thì toàn bộ độ dài của lò tới 15 mét. Độ nghiêng của trục lò khoảng 12 đến 15 độ C. Nhiệt độ của lò bầu có thể đạt tới 1300 độ C.
Lò bầu - Ảnh: Sưu tầm
4. Lò hộp hay lò đứng
Khoảng năm 1975 trở lại đây người Bát Tràng chuyển sang xây dựng lò hộp để nung gốm. Lò thường cao 5 mét rộng 0,9 mét. Bên trong xây bằng gạch chịu lửa giống như xây tường nhà. Lò mở hai cửa. Kết cấu đơn giản, chiếm ít diện tích. Chi phí xây lò không nhiều. Tiện lợi cho quy mô gia đình. Vì thế mà hầu như gia đình nào cũng có lò gốm. Thậm chí mỗi nhà có đến 2, 3 lò. Nhiệt độ lò có thể đạt 1250 độ C.
Lò hộp/lò đứng - Ảnh: Sưu tầm
5. Lò nung con thoi (lò gas), lò tuynel (lò hầm, lò liên tục)
Trong những năm gần đây, Bát Tràng xuất hiện thêm những kiểu lò hiện đại là lò con thoi, hoặc lò tuynel. Nhiên liệu là khí đốt hoặc dầu. Trong quá trình đốt, nhiệt độ được theo dõi qua hỏa kế. Việc điều chỉnh nhiệt độ (tăng giảm nhiên liệu) được thực hiện bán tự động hoặc tự động giúp cho việc đốt lò trở nên đơn giản hơn nhiều.
Lò nung con thoi (lò gas) - Ảnh: Sưu tầm
Lò tuynel (lò hầm/lò liên tục) - Ảnh: Sưu tầm
Bao nung
Trước đây, các lò gốm Bát Tràng dùng một loại gạch vuông ghép lại làm bao nung. Loại gạch này sau hai ba lần sử dụng trong lò đạt đến độ lửa cao và cứng gần như sành (một loại gạch Bát Tràng nổi tiếng).
Gần đây bao nung thường được làm bằng đất sét chịu lửa có màu xám sẫm trộn đều với bột gạch hoặc bao nung hỏng nghiền nhỏ (gọi là sa mốt). Với tỉ lệ trộn là 25 - 35% đất sét và 65 -75% sa mốt. Người ta dùng một lượng nước vừa đủ để trộn đều và đánh nhuyễn chất hỗn hợp này rồi đem in (dập) thành bao nung hay đóng thành gạch ghép ruột lò. Bao nung thường có hình trụ giúp lửa được tiếp xúc đều với sản phẩm. Tuỳ theo loại sản phẩm mà bao nung có kích thước khác nhau. Phổ biến nhất là loại có đường kính từ 15 đến 30cm, dày 2 đến 5 cm và cao từ 5 đến 40 cm. Một bao nung có thể dùng từ 15 đến 20 lần.
Nếu sản phẩm được đốt trong lò con thoi hoặc lò tuynel thì thường không cần dùng bao nung.
Xem thêm:
>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)