Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 5 - Nung gốm)

Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 5 - Nung gốm)

Để quá trình nung gốm có thể tạo ra được những mẻ gốm tinh xảo, cần trải qua các bước: chuẩn bị nhiên liệu, chồng lò, và cuối cùng là đốt lò.

Nhiên liệu nung gốm

Lò ếch:

Nhiên liệu dùng để đốt lò gồm các loại như: rơm, rạ, tre, nứa. Thời gian sau thì người thợ làm gốm ở Bát Tràng kết hợp rơm rạ cùng với các loại củi phác và củi bửa. Sau này thì củi phác và củi bửa trở thành nhiên liệu chính cho các loại lò gốm ở Bát Tràng. Củi bửa và củi phác sau khi bổ xong thì được xếp thành đống ở ngoài trời. Củi được phơi sương phơi nắng cho ải ra mới đem đi đốt. 

Lò đàn:

Người ta đốt củi phác ở bầu lò. Còn củi bửa được dùng để đưa qua các lỗ giòi, lỗ đậu vào trong lò.

Lò đứng:

Nguồn nhiên liệu chính là than cám. Còn củi chỉ để gầy lò (nhóm lò). Than cám đem nhào trộn kỹ với đất bùn theo tỷ lệ nhất định. Được đóng thành khuôn hoặc nặn thành bánh nhỏ phơi khô. Đôi khi người ta nặn than ướt rồi đập lên tường khô. Mục đích là để tường hút nước nhanh và than chóng kết cứng lại và có thể dùng được ngay.

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Sưu tầm - Than được đắp lên tường để nhanh khô.

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Sưu tầm - Than được đắp lên tường đã khô.

Hiện nay để bảo vệ môi trường cũng như thuận tiện trong quá trình làm việc, cũng như tạo ra những sản phẩm gốm chất lượng cao, đẹp. Nhiên liệu được sử dụng nung gốm là những loại khí đốt hóa lỏng.

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Lò nung bằng điện.

Có thể bạn sẽ thích:

>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 1 - Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng)

>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 2 - Quá trình tạo cốt gốm)

>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 3 - Điểm tô nên gốm Việt)

>> Gốm sứ Bát Tràng - Nghệ thuật đến từ sự kỳ công (Kỳ 4 - Các loại lò nung)

Chồng lò

Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Cách xếp gốm mộc trong lò nung như thế nào là tuỳ theo hình dáng, kích cỡ của bao nung. Xếp làm sao để vừa sử dụng triệt để không gian trong lò, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, mà lại đạt hiệu nhiệt cao. Do cấu tạo của mỗi lò mỗi khác, nên việc chồng lò theo từng loại lò cũng có những đặc điểm riêng. 

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Anh Dũng Kiều VnExpress - Cuộc thi “Nghề trong thế kỷ 21” - Người thợ xếp sản phẩm vào lò.

Lò ếch:

Người ta xếp gốm từ gáy lò ra tới cửa lò. 

Lò đàn:

Người ta xếp gốm từ bích thứ 2 đến bích thứ 10. Riêng bích thứ 10 vì lửa kém nên thường để trần mà không cần có bao nung ở ngoài. Ở bầu cũi lợn (bầu đầu tiên) nơi dành để đốt nhiên liệu, có nhiệt độ cao nên sẽ xếp gốm trong các bao ngoại cỡ. 

Lò bầu:

Gốm mộc được xếp trong lò bầu giống như lò đàn. 

Lò hộp:

Tất cả các sản phẩm đều được đặt trong các bao nung hình trụ không đậy nắp, và xếp chồng cao dần từ đáy lên nóc. Xung quanh tường lò và chỗ khoảng trống giữa các bao nung đều được chèn các viên than.

Làng Bát Tràng xưa có các phường Chồng Lò. Mỗi phường khoảng 7 người (3 thợ cả, 3 thợ đệm và 1 thợ học việc). Họ chia thành 3 nhóm. Mỗi nhóm có 1 thợ cả và 1 thợ đệm, còn thợ học việc có nhiệm vụ bưng bao nung và sản phẩm mộc phục vụ cho cả ba nhóm.

Nhóm thứ nhất có nhiệm vụ chồng đáy (xếp bao nung và sản phẩm ba lớp từ đáy lên).

Nhóm thứ hai có nhiệm vụ chồng giữa (xếp ba lớp giữa).

Nhóm thứ ba là nhóm gọi mặt (xếp ba lớp cuối cùng ở vị trí cao nhất trong lò nung). Phường Chồng Lò ở Bát Tràng chủ yếu tập hợp những người thợ gốm ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Tây) và Vân Đình (Mỹ Đức, Hà Tây). Họ chuyên phục vụ cho các lò gốm Bát Tràng.

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Anh Dũng Kiều VnExpress - Cuộc thi “Nghề trong thế kỷ 21” - Người thợ dùng gạch đóng cửa lò sau khi xếp xong sản phẩm vào lò.
 

Đốt lò

Nhìn chung, các loại lò nung gốm như: lò ếch, lò đàn, lò bầu,... quy trình đốt lò đều tương tự nhau. Dựa theo kinh nghiệm, người thợ cả có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò.

nung gốm - Gốm sứ Lạc Hồng

Ảnh: Anh Dũng Kiều VnExpress - Cuộc thi “Nghề trong thế kỷ 21”​​​​​​​ - Người thợ dùng củi nhóm lò.

Gầy lò:

Ở lò đàn thì khoảng nửa ngày kể từ khi nhóm lửa, người ta bắt đầu đốt nhỏ lửa tại bầu cũi lợn để sấy lò và sản phẩm trong lò. Sau đó người ta tăng dần lửa ở bầu cũi lợn cho đến khi lửa đỏ lan tới bích thứ tư, việc tiếp củi ở các bầu cũi lợn được dừng lại.

Nung chín gốm:

Sau đó người thợ tiếp tục ném củi bửa qua các lỗ giòi. Thợ cả kiểm tra kỹ các bích khi thấy sản phẩm ở bích nào đã chín thì ra hiệu lệnh ngừng ném củi bửa vào bích đó. Càng về cuối sản phẩm chín càng nhanh. Khi sản phẩm trong bích đậu đã sắp chín, người thợ cả quyết định ném dồn dập trong vòng nửa tiếng. Ném khoảng 9 đến 10 bó củi bửa qua lỗ đậu rồi kết thúc việc tiếp củi. 

Làm nguội lò:

Khi nung xong, người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội lò từ từ. Quá trình làm nguội trong lò kéo dài 2 ngày 2 đêm. Sau đó mới mở cửa lò và để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa, rồi mới tiến hành ra lò.

Thành phẩm:

Sau khi lò nguội, sản phẩm ra lò được đánh giá phân loại và sửa chữa lại các thiếu sót trước khi đem ra phân phối sử dụng.

Đối với lò đứng, việc đốt lò trở nên đơn giản hơn nhiều. Người ta dùng gạch chịu lửa bịt cửa lò lại rồi nhóm lò bằng củi. Lửa cháy bén vào than và bốc từ dưới lên. Than trong lò cháy hết cũng là lúc kết thúc công việc đốt lò. Nhưng do đặc điểm lò, người thợ đốt lò dù có dày dạn kinh nghiệm cũng rất khó làm chủ được ngọn lửa. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong khâu kĩ thuật ở làng Bát Tràng. Thời gian đốt lò kể từ lúc nhóm lửa đến khi hoàn toàn tắt lửa khoảng 3 ngày 3 đêm. 

Xem thêm:

>> Gốm sứ khắc chữ theo yêu cầu - Món quà tặng độc đáo, sang trọng

Toàn bộ quy trình làm gốm được diễn ra theo đúng trình tự. Từng khâu phải làm thật cẩn thận, chu đáo. Một quá trình kỳ công tạo nên những sản phẩm bóng mịn, sạch, đẹp. Với những hoa văn tinh tế, hài hòa, sang trọng, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Tất cả tạo nên chất lượng, thương hiệu của sản phẩm Gốm Bát Tràng, Việt Nam.